Là đại diện doanh nghiệp đầu tiên phát biểu tại Lễ công bố Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào sáng 25/11/2023, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT chia sẻ, Đà Nẵng đã công bố này vào thời điểm đặc biệt – đó là Việt Nam được chọn là điểm đến, điểm tựa cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Đây là thời điểm mà những con chíp nhỏ bé do người Việt Nam làm ra có khả năng góp phần đem lại tương lai huy hoàng của đất nước. “Vậy Đà Nẵng nắm bắt trong tương lai này như thế nào?”, ông Bình tự hỏi và nhớ lại: “Tôi nhớ đến một câu chuyện ở Mỹ. Giữa thế kỷ trước, người ta tìm ra một vùng đất là những khu vườn nằm giữa hai đỉnh núi. Nơi đó có những trường đại học đào tạo những kỹ sư bán dẫn. Những khu vườn đó đã đón các nhà khoa học đến đó thành lập công ty công nghệ thông tin mà sau này đứng đầu thế giới. Tôi đang nhắc đến sự hình thành và phát triển của thung lũng Silicon gắn liền với một trường đại học, một giáo sư điện tử, công ty “start-up”, nhà vật lý nhận Giải Nobel. Nơi đây đã có nhiều tài năng trẻ, nhiều ý tưởng thông minh, nhiều nguồn vốn đầu tư …”.
Ông Bình chia sẻ rằng ông nhìn thấy tương lai ấy ở Đà Nẵng. “Nếu thung lũng Silicon chỉ có khu vườn hoa quả thì Đà Nẵng của chúng ta còn có biển, có sông, có núi, có cảnh đẹp thiên nhiên. Đây là nơi hấp dẫn mọi người ghé đến. Và thực tế đã có rất nhiều người nổi tiếng trên thế giới bằng cách này hay cách khác đã đến thăm Đà Nẵng”, ông Bình nói.
Theo đánh giá của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, Đà Nẵng có nhiều lợi thế. Trong đó, điều phải kể đến nơi đây có số trường đại học/dân số cao nhất cả nước, sinh viên chiếm 10% dân số. Công ty Intel, Synopsys và nhiều công ty công nghệ thông tin, bán dẫn lớn trên thế giới đã ở Đà Nẵng. Vừa qua, bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng có cuộc gặp gỡ với nhiều tổ chức, doanh nghiệp ở Mỹ và có những hợp tác chiến lược. Thành phố có cơ hội là điểm đến mới của ngành công nghiệp bán dẫn thế giới.
Vậy Đà Nẵng thiếu gì? Theo ông Bình, đó là quy hoạch con người. “Nếu trước đây, Việt Nam chỉ là con số 0 trên bản đồ CNTT thế giới. Thì giờ đây, chúng ta có 1 triệu kỹ sư công nghệ thông tin (CNTT), nửa triệu kỹ sư phần mềm, là quốc gia đứng thứ hai về xuất khẩu phần mềm chỉ sau Ấn Độ. FPT hiện đào tạo 17.500 học sinh, sinh viên. Chúng tôi cũng mở ngành Đào tạo Bán dẫn. FPT cũng đã gặp gỡ công ty hàng đầu thế giới về vi mạch bán dẫn để bàn về kế hoạch nhân sự”, ông Bình chia sẻ.
Theo ông Bình, đó là nguồn nhân lực phục vụ không chỉ Việt Nam mà còn nhiều thị trường khác, như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan… “FPT sẽ đồng hành cùng Đà Nẵng trong quy hoạch nhân sự, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch bán dẫn và đưa thành phố trở thành thung lũng Silicon thứ hai”, ông Bình nhắn gửi.
Theo Báo đầu tư.