ĐỊA PHƯƠNG DUY NHẤT CÓ SÂN BAY QUỐC TẾ LỌT TOP 3 CẢI TIẾN NHẤT THẾ GIỚI

Theo World’s Best Airports of 2023 của Skytrax, một sân bay của Việt Nam lọt top 3 sân bay cải tiến nhất thế giới.

Địa phương duy nhất có sân bay quốc tế lọt top 3 cải tiến nhất thế giới

Cụ thể, theo World’s Best Airports of 2023 của Skytrax, tổ chức xếp hạng vận tải hàng không quốc tế, Đà Nẵng là sân bay duy nhất của Việt Nam được xếp vào top những sân bay cải tiến nhất thế giới. Hai hạng mục mà Đà Nẵng được nhắc đến là sân bay cải tiến nhất thế giới (hạng 3) và Sân bay khu vực tốt nhất ở châu Á (hạng 10).

Skytrax cho biết, các sân bay được đánh giá có mức độ cải tiến tốt nhất còn lại gồm có: Shenzhen (Trung Quốc), New York LGA (Mỹ), Sofia (Bulgaria), Sapporo (Nhật Bản), San Jose Juan Santamaría (Costa Rica), Calgary (Canada), Porto (Bồ Đào Nha), Rome Fiumicino (Italy), Baltimore-Washington (Mỹ).

Cùng với đó, những sân bay khu vực tốt nhất châu Á là những nơi chủ yếu phục vụ chặng nội địa, trong khu vực. Những sân bay này là nơi có thể đáp ứng số lượng nhỏ các chuyến xuyên lục địa nhưng trọng tâm chính vẫn là tuyến ngắn.

Những sân bay lot top gồm có: Centrair Nagoya (Nhật Bản), Haikou Meilan (Trung Quốc), Fukuoka (Nhật Bản), Hyderabad và Bangalore (Ấn Độ), Xi’an (Trung Quốc), Seoul Gimpo (Hàn Quốc), Changsha (Trung Quốc) và Sapporo (Nhật Bản).

Tiêu chí đánh giá chung cho các hạng mục của Skytrax dựa trên sự hài lòng của hành khách đến từ 100 quốc gia và giới chuyên môn về hiệu quả hoạt động của một sân bay trong 12 tháng, dịch vụ khách hàng, cơ sở vật chất.

Sân bay quốc tế Đà Nẵng hiện là 1 trong 3 sân bay lớn nhất Việt Nam, bên cạnh sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh). Mỗi năm sân bay phục vụ hàng triệu lượt khách du lịch, công tác,… đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch của thành phố Đà Nẵng và vùng duyên hải Nam Trung Bộ nói riêng, cũng như của cả nước.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, về quy hoạch khu bay giai đoạn 2021-2030 của cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, cơ bản giữ nguyên quy mô hiện trạng, chỉ mở rộng một số vị trí như: Mở rộng nhà ga T1 về phía đông nam sân bay; xây dựng ga hàng hóa phía đông theo quyết định số 3066/QĐ-BGTVT ngày 26/8/2015.

Giai đoạn 2030 – 2050, cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ xây dựng mới đường cất hạ cánh 35L/17R có tim đường cách tim đường cất hạ cánh 35R/17L khoảng 375m, xây dựng mới sân đỗ phía Tây với 19 vị trí đỗ; xây dựng nhà ga quốc nội T3 về phía Đông Nam đạt công suất 15 triệu hành khách/năm, diện tích xây dựng nhà ga là 9.475 m2, 2 cao trình, cải tạo nhà ga T1 kết hợp nhà ga T2 khai thác quốc tế; xây dựng nhà ga hàng hóa phía Tây kết hợp với khu logistic hàng không…

Về hạ tầng kỹ thuật, giai đoạn 2030-2050 sẽ đầu tư xây dựng mới đường trục vào nhà ga T3 kết nối đường hầm qua sân bay và hệ thống đường sắt đô thị của thành phố theo quy hoạch.

Đường dẫn vào nhà ga sẽ xây mới đường trục logistic phía Tây sân bay nối với đường vành đai đầu phía bắc và tuyến đường hầm qua sân bay.

Theo UBND TP. Đà Nẵng, tổng nhu cầu sử dụng đất của CHK quốc tế Đà Nẵng hơn 806 hecta. Tổng mức đầu tư các giai đoạn 2021-2030 và từ 2030-2050 là 30.999 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách nhà nước, vốn vay, vốn doanh nghiệp. Trong đó ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng chính.

UBND TP. Đà Nẵng cho biết, sau quy hoạch, cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ là cảng hàng không quốc tế cấp 4E theo quy định của ICAO và sân bay quân sự cấp I. Sản lượng vận chuyển hành khách đạt 25 triệu hành khách/năm. Đến năm 2030, đạt 30 triệu hành khách/năm đến năm 2050. Sản lượng vận chuyển hàng hóa đạt 200.000 tấn/năm.

Hơn nữa, cảng hàng không Đà Nẵng sẽ có 92 vị trí đỗ tàu bay, trong đó sân đỗ tàu bay phía Đông đạt 73 vị trí đỗ tàu bay bao gồm: 68 vị trí đỗ tàu bay hành khách, 2 vị trí đỗ tàu bay hàng hóa, 2 vị trí đỗ tàu bay Hangar, 1 vị trí tàu bay cách ly.

Sân đỗ tàu bay phía Tây với 19 vị trí đỗ tàu bay với 14 vị trí đỗ tàu bay qua đêm và tàu bay hàng hóa, 5 vị trí đỗ Hangar và 1 vị trí đỗ tàu bay Hàng không chung, hàng không tư nhân. Loại máy bay khai thác là tàu bay code E trở xuống như B747, B777, B787, A320, A321, A350 và tương đương, dự bị cho tàu bay code F (B747-8), máy bay quân sự cấp I.

Theo CafeF

Translate »